Moving to open source softwares

Trong suốt quãng đời làm quen với máy tính, mình cũng đồng thời làm quen luôn với khái niệm cờ rắc. Xung quanh, ai cũng crack, tội gì mình lại không crack?

Cho tới nay, mình tự hào đã dùng toàn bộ sản phẩm có bản quyền đàng hoàng, và thay thế hầu hết các phần mềm có bản quyền bằng các phần mềm miễn phí tương đương. Tuy còn nhiều điều chưa tiện, chưa thông minh, chưa đẹp như những phần mềm tính phí, nhưng nó là công sức của cả một cộng đồng lập trình viên, và điểm đặc biệt là nó update cực nhanh

Cũng phải nói luôn là có một số phần mềm, mặc dù vẫn có thể dùng đồ free, nhưng tính năng nó mang lại không đủ, nên mình cũng đã quyết định bỏ tiền ra mua (một số) sản phẩm tính phí đó.

1. Phần mềm đã mua

1.1. Microsoft Office

Alternative: * Libre Office * Open Office

Office 365 logo

Bộ này thì khỏi nói, dù có một số giải pháp thay thế như Libre Office hay Open Office, nhưng về cơ bản, các tính năng quá mạnh mẽ của MS Office đã thuyết phục được mình bỏ tiền ra mua nó hàng năm (dạng thuê bao Home Subscription có thể chia sẻ cho 5 user)

2. Phần mềm có được do các chương trình hỗ trợ / hợp tác

Các chương trình này đa phần nhắm tới sinh viên. Nếu trường của bạn cung cấp địa chỉ có đuôi edu thì bạn sẽ được tham gia các chương trình này và sử dụng các bộ phần mềm bản quyền hoàn toàn miễn phí

2.1. Microsoft Windows

Alternative: Ubuntu - và các hệ điều hành linux nói chung

ninja cat

Thông qua chương trình DreamSpark (trước là MSDN AA). Bản quyền Windows vẫn tính trên licence cụ thể. Đối với Windows 10, MS có bổ sung thêm dạng license điện tử đi kèm với tài khoản Windows của bạn. Mình không có nhiều máy để thử cái này, nhưng mình nghĩ tương lai Windows tiến tới miễn phí hoàn toàn bản quyền là không còn xa (MS sẽ đè doanh nghiệp ra mà hút máu với các bản Ultimate và Windows Server)

2.2. Visual Studio Enterprise

Alternative: Visual Studio có bản miễn phí là Visual Studio Community

vs logo

Visual Studio là một bộ IDE siêu siêu mạnh. Bạn có thể dùng nó để phát triển hầu như tất cả các sản phẩm phần mềm.

Hồi đó mình còn học tin học đại cương (học lập trình C++ các kiểu) ở trường, thì thiếu 1 cái IDE như này. Lên mạng mày mò thì cũng ra kha khá các phần mềm như Code Blocks, hay Borland Turbo C++ (cái này không miễn phí, nhưng mà nó cổ quá rồi). Sau này cũng ráng cài Eclipse, rồi NetBeans

Khi ‘phát hiện’ ra Visual Studio 2010 Express (là phiên bản miễn phí hồi đó), mình…bỏ luôn mấy cái khác, và xài nó từ đó tới giờ

Funfact: MS cũng tham gia phát triển tools cho eclipse -> source

3. Phần mềm đã bỏ

3.1. Internet Download Manager

Alternative: Free Download Manager

fdm

IDM giống như một phần mềm phải-có của bất kỳ cái máy tính nào. Khi mạng mẽo thì bị cá mập cắn liên tục, băng thông thì cứ tới giờ là bóp, đường truyền như quay số ò e í e tới ADSL. IDM giúp bạn vượt qua các khó khăn đó. Và mỗi khi IDM ra mắt version, thì cư dân mạng lại thay phiên nhau update crack.

Đã qua rồi cái thời cứ lâu lâu lại phải tìm crack cho IDM một lần, lướt youtube có cái popup nho nhỏ show ra đòi download, vân vân và vân vân.

Toàn bộ các tính năng mà IDM có, FDM cũng có, và có phần tốt hơn

  • Download youtube video: Copy link youtube rồi dán vào khung Add download
  • Download toàn bộ site: Dùng FDM version 3.9, tính năng Site Explorer
  • Bắt link nhạc nhẽo, video: Click chuột phải vào khung play > Download this Video with Free Download Manager

FDM khắc phục một số nhược điểm mà IDM gặp phải: * Không phải nối file sau khi download xong: Nó tạo sẵn khoảng trống trên ổ cứng, vào download từng phần rồi ghi vào các khoảng trống đó * Download được torrent

3.2. Adobe Photoshop

Alternative: GIMP + VirtualDub + Capture One for Sony

capture one

Adobe Photoshop thì không cần phải nói nhiều. Để tìm được tool thay thế cho nó, mình đã phải tốn kha khá thời gian và công sức, nhưng vẫn chưa thật sự hài lòng.

Xưa kia mình dùng chủ yếu Camera Raw của Adobe Photoshop để chỉnh ảnh Raw từ cái máy Sony của mình. Sony cũng cung cấp một bộ phần mềm giúp chỉnh ảnh raw luôn là Capture One Express, nhưng thiết kế của nó không tiện như Camera Raw, và tốc độ của nó cũng có vẻ không bằng.

Máy Sony của mình có thể chụp 11 tấm / 1 giây, ghép lại thành một cái ảnh động. Photoshop hỗ trợ cái này rất tự nhiên luôn. Thay thế cho nó là Virtual Dub, xuất ra file AVI nhưng với một bộ codec khá lạ lùng và khá khó xài

GIMP là bộ phần mềm chính thay thế cho Photoshop, điểm mạnh của nó là open source, điểm yếu của nó là update rất chậm.

3.3. Sublime Text

Alternative: Visual Studio Code

vscode

Sublime Text là một dạng phần mềm như kiểu WinRar, bạn có thể ‘evaluate’ nó mãi mãi, nhưng nhìn chung, nó vẫn là một phần mềm có tính phí bản quyền

Về cơ bản, nó là một Text Editor mạnh mẽ với các tính năng như multi cursor, hỗ trợ extension, tốc độ cực nhanh, có Command Pallete giúp bạn kha khá các tác vụ thủ công lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, tất cả những cái đó đều đã và đang bị VS Code dần dần lấn lướt (trừ cái tốc độ ra)

3.4. SourceTree, hay Git Client nói chung

Alternative: GitExtension

gitextensions

Một số bạn dev sẽ cực lực phản đổi cái git extension này, vì giao diện nó…quá xấu so với quy định.

Đã từng có một thời gian, mình cũng đã như vậy. Mình cũng ‘cự tuyệt’ với GitExtension vì giao diện của nó. Nhưng mặt trời chân lý đã chói qua tim mình, khi mà SourceTree bug tè le hột me, các phần mềm khác thì quá đơn giản so với nhu cầu sử dụng (GitKraken, GitHub Desktop)

Tất cả đều không thể vượt qua nổi sự đơn giản (tuy xấu) và ổn định mà GitExtension cung cấp.

4. Các phần mềm khác

Mục tiêu của mình là open source, chứ không phải freeware, hay freemium.

Các phần mềm miễn phí có thể thay thế bằng web

Còn bạn thì sao? Bạn đang dùng phần mềm miễn phí nào?